Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Xây bài cơ bản (8): Lí thuyết 5 block (2). Đếm số shanten

(Cập nhật: 27/08/2023)

1. Cách đếm block và ảnh hưởng của số block đến tính chất của các nhóm quân

Đến đây tôi sẽ dành thời gian ra để thảo luận, hay nói chính xác hơn là tổng kết lại, về điểm mà tôi cho là cốt lõi nhất của lí thuyết 5 block: Cách đếm block và ảnh hưởng của số block đến tính chất của các nhóm quân.

Trong các bài về 1 shanten chúng ta đã thảo luận về các loại 1 shanten với số block khác nhau. Số block khác nhau dẫn đến tính chất của các nhóm quân khác nhau. Trên thực tế tôi thấy điểm dễ gây hoang mang nhất trong lí thuyết 5 block là cách đếm block, chính tôi cũng từng không hình dung được lí thuyết này cho đến khi được chỉ đúng về cách đếm block. Sau phần 1 shanten, ta có thể tổng hợp lại cách đếm block như sau:

- Quân lẻ bình thường là 0 block

- Nhóm 2 quân, nhóm 3 quân, bộ 3 quân là 1 block

- Nhóm 4 quân dạng bộ + 1 quân là 1 block (bộ là 1, quân là 0). Bạn có thể xem lại phần 1 shanten dính để thấy tính chất quân lẻ của dạng nhóm 4 quân này. Nhiều sai lầm sẽ xảy ra khi ta cứ coi nhóm 4 quân dạng này là 2 block, theo kiểu 3445 = 34 + 45.

- Nhóm 4 quân dạng 2 nhóm 2 quân, kiểu như 1133, 2233 vẫn là 2 block.

- Các quy tắc trên áp dụng cho bài đã có đôi.

Và qua phần 1 shanten, ta đã biết được các tính chất của bài theo số block:

- Bài 6 block: phá block không làm thay đổi số shanten

- Bài 4 block: quân lẻ quan trọng vì có khả năng giảm shanten

- Bài 5 block: số block vừa đủ, nên khi phá block thì số shanten tăng lên 1, và quân lẻ không có khả năng giảm shanten, chỉ có chức năng cải thiện và phòng thủ.

Khi đếm block theo quy tắc ở trên thì các tính chất trên mới được thể hiện đúng, nếu đếm sai thì sẽ dẫn đến nhận định không chính xác về tính chất của các quân và nhóm quân.

Ví dụ:

Theo quy tắc đếm block, 3445m là 1 block, nên bài trên có 5 block và bài dưới có 4 block. Cùng là 4s và Pei nhưng vì số block thay đổi nên tính chất của các quân này thay đổi hoàn toàn. Bài trên có 5 block nên 4s chỉ còn chức năng cải thiện khi bốc 5s, và ta phải so sánh chức năng này với chức năng phòng thủ của Pei (thông thường bài chắc chắn chờ đẹp thế này rồi thì sẽ ưu tiên chức năng phòng thủ của Pei và ta sẽ đánh 4s, bỏ qua 1 loại quân cải thiện lên chờ 3 mặt duy nhất). Bài dưới có 4 block nên 4s sẽ có chức năng giảm shanten (bốc 5s 3s chờ đẹp, 2s 4s 6s chờ xấu), và 4m (chính xác hơn là 3445m) cũng có chức năng giảm shanten. Đây chính là dạng 1 shanten dính. Chức năng phòng thủ của Pei không thể so sánh với chức năng giảm shanten của 4s. Dù 4s ở đây chỉ là 2s thôi thì cũng không nên đánh 2s mà phải đánh Pei.

Các tài liệu cũ thường nói đơn giản 3445 là nhóm đẹp vì có thể tách ra thành 34+45. Nhưng nếu chỉ nghĩ như vậy thì trong hình trên, bài dưới sẽ có 5 block, mà 5 block thì quân lẻ 4s không còn chức năng giảm shanten. Cần đếm 3445m là 1 block thì mới thấy được chức năng giảm shanten của 4s.

Hoặc là nếu bài trên mà không đếm block cẩn thận thì sẽ nhận định sai về sức mạnh của 4s, cứ thế đánh Pei. Đủ block rồi nên 4s chỉ còn khả năng cải thiện mà thôi.

Một tình huống xuất hiện khi tôi dạy chơi mạt chược khoảng vài tháng trước, dù đáp án đúng thì tôi biết lâu rồi nhưng cách giải thích sao cho hợp lí thì tôi cũng chỉ mới nhận ra gần đây thôi. Bài trên là bài 5 block, 6p chỉ có khả năng cải thiện và phương án hợp lí nhất là đánh 6p, giữ lại penchan đôi 122m để tăng tối đa số quân lên tenpai. Bài dưới thì sao? Đây quả thật không phải tình huống dễ đối với người mới chơi và chính người được tôi dạy đã mắc sai lầm trong tình huống này. 

Theo quy tắc đếm block ở trên, ta sẽ có 122m là 1 block, 6678m là 1 block vì nhóm dạng bộ 3 + quân lẻ là 1 block, 234p là 1 block, cộng với Hatsu đã pon là 4 block. Khi bài có 4 block thì các quân lẻ có vai trò giảm shanten. Các quân lẻ trong bài này là gì? Đó là 6678m (aryanmen), 6p và 1m (trong 122m, coi 2m là đôi). Đây cũng vẫn là 1shanten dính đấy. Khi so sánh các quân lẻ trên thì bạn có thể thấy 1m là quân lẻ yếu nhất và cần phải đánh ở đây. Nếu không đếm block chính xác thì bạn sẽ coi 6678m là 66+78, bài có 5 block và đánh 6p. 

Bạn không nên nghĩ rằng chẳng qua cách nhận định khác nhau nên kết quả khác nhau thôi, chứ cách nào cũng đúng. Với bài trên có 5 block, thật ra không phải ta cứ thấy 5 block là đánh 6p, mà là ở đây với bài 5 block dạng 3 + 2 + 1 này, ta thấy 6p chỉ có khả năng cải thiện sẽ yếu hơn so với 1m có khả năng giảm shanten (và ngoài ra khả năng phòng thủ tốt hơn 6p). Nếu bài dưới ta cũng đếm thành 5 block thì tính chất của 6p vẫn như vậy. Việc ta theo quy tắc đếm ra 4 block cũng không phải là cứ đếm như vậy là đánh 1m, mà là khi đếm như vậy thì ta dẫn đến kết quả là cần phải so sánh khả năng giảm shanten của 1m, 6p và 6678m. Ta cần đếm block đúng thì mới nhận ra được 6p có khả năng giảm shanten chứ không phải chỉ có khả năng cải thiện.

Với các bài thế này nhiều tài liệu giải thích theo kiểu coi 4renkei là 2 block (34+56) với bài trên, sẽ có tổng 6 block và đánh đi block yếu nhất là 12p, hay coi 5m 2 dora là 1 block với bài dưới, cũng thành tổng 6 block và đánh đi block 12m. Cách giải thích như vậy vốn cũng không có gì sai, tuy nhiên nếu đếm block theo quy tắc được nêu trong bài này thì thế nào? Lúc này cả 2 bài này sẽ đều có 5 block, quân lẻ 4renkei ở bài trên và dora ở bài dưới đều chỉ có chức năng cải thiện. Muốn chắc chắn sử dụng được các quân lẻ mạnh này thì cần phải phá đi 1 block, khi đó bài chỉ còn 4 block, giảm số block như vậy thì số shanten tăng lên 1.

Nếu cứ đương nhiên coi các quân lẻ là 1 block (nhóm 4 quân có tính chất quân lẻ là 2 block) thì sẽ không nhận thấy được cái giá phải trả trong các tình huống này, đó là tăng số shanten. Dù ở đây dĩ nhiên là đáng, nhưng sẽ có những tình huống tương tự sẽ không đáng.

Hãy một lần nữa nhìn lại các tính chất:

- Bài 6 block: phá block không làm thay đổi số shanten

- Bài 4 block: quân lẻ quan trọng vì có khả năng giảm shanten

- Bài 5 block: số block vừa đủ, nên khi phá block thì số shanten tăng lên 1, và quân lẻ không có khả năng giảm shanten, chỉ có chức năng cải thiên và phòng thủ.

Các bài viết trước chỉ nói về 1 shanten, nhưng hãy chú ý rằng các tính chất này không hề thay đổi khi số shanten lớn hơn (và khi số shanten lớn hơn thì các tính chất khác cũng sẽ xuất hiện). Khi nói về 1 shanten, ngoài việc xử lí từng loại 1 shanten thì mục đích khác nữa là giúp các bạn hình dung về block và tính chất của các quân bài sẽ thay đổi theo số block như thế nào. Các bài sau sẽ giải thích các trường hợp thiếu block, đủ block, thừa block với số shanten >1.

Nếu qua các bài của phần 1 shanten đến bài này bạn còn đang thấy hoang mang không hiểu gì thì nên đọc lại một lượt, vì bài này giúp đỡ cho bài kia, và các bài sau sẽ dựa nhiều vào việc bạn hiểu được bài này. Nếu thật sự thấy không thể hiểu được thì đến giờ này tôi cũng chưa có phương án giải thích hay hơn, bạn đành chịu khó tìm tài liệu khác viết hay hơn (nói cho cùng cách tôi diễn đạt là cách hiểu của tôi thôi, có thể bạn sẽ hơp với cách giải thích khác), hoặc hỏi tôi hay ai đó trực tiếp vậy (hoặc là bỏ cuộc tạm thời chờ lúc khác có khi lại hiểu).

2. Cách đếm số shanten

Khi mới chơi bạn có thể thấy những người chơi kinh nghiệm nhanh chóng xác định số shanten của bài, và bạn thấy điều đó rất ấn tượng. Sau đó khi bạn đến được giai đoạn trung bình khá, bạn lại thấy rằng: Ồ, điều đó đâu có quan trọng. Cũng không phải là sai vì thật sự thì chuyện đếm số shanten đâu có ảnh hưởng gì nhiều đến việc bạn chọn được quân đánh hợp lí nhất trong bài mình đâu.

Tôi cũng nghĩ như vậy cho đến thời gian gần đây. Dĩ nhiên là khi quá xa tenpai thì đếm được chính xác bài mình 4 hay 5 shanten cũng không có ý nghĩa gì lớn. Nhưng xác định số shanten là 1, 2 hay 3 thì sẽ có ý nghĩa trong việc so sánh bài mình với bài đối thủ. Khi đối thủ Riichi, số shanten của ta là 1 hay 2 rất khác nhau đúng không nào? Rồi khi bài đối thủ mở, chuyện ta xử lí lại bài mở của đối thủ khi số shanten là 1, 2 hay 3 cũng khác hẳn nhau (mặc dù về khoản này thì tôi chẳng dám nói mình khá hơn ai).

Ở đây tôi sẽ đề ra cách đếm số shanten dựa theo số block trong bài mình:

a) Bài đã có đôi

- Bài đủ block (5 hoặc 6 block):

+ 1 shanten nếu có 2 bộ + 1 đôi. Chắc chắn là như vậy vì tenpai nếu có đôi sẵn thì sẽ phải có 3 bộ + 1 đôi.

+ 2 shanten nếu có 1 bộ + 1 đôi. Từ 1 shanten thì suy ngược được về 2 shanten. Hoặc là nghĩ rằng với bài 5 block đã có đôi, đã có sẵn 1 bộ 1 đôi thì còn lại 3 nhóm 2 hoặc 3 quân, nếu chuyển 2 trong số 3 nhóm đó thành bộ tức là được tenpai, vậy là bài mình 2 shanten.

+ 3 shanten nếu trong 5 hoặc 6 block có 1 đôi, còn lại chưa có bộ nào. Bài đủ block có đôi thì số shanten không thể hơn 3. Bạn có thể 1 lần nữa nhận thấy rằng block thứ 6 không có ảnh hưởng đến số shanten.

- Bài thiếu block:

+ 1 shanten khi có 4 block, với 4 block đó là 3 bộ + 1 đôi. Chính là dạng 1 shanten dính.

+ 2 shanten khi có 4 block, trong 4 block đó có 2 bộ + 1 đôi. Từ 1 shanten suy ngược ra.

+ 3 shanten khi có 4 block, trong 4 block đó có 1 bộ + 1 đôi, hoặc khi có 3 block với 3 block đó là 2 bộ + 1 đôi. Tiếp tục suy ngược từ 2 shanten.

+ 4 block chưa có bộ, 3 block mới có 1 bộ thì 4 shanten, nói chung nhìn bài thế này hoặc tệ hơn thì còn xa tenpai và không nhất thiết phải xác định chính xác số shanten.

b) Bài chưa có đôi

Bài không đôi thì hơi lằng nhằng và sức mạnh thực sự phụ thuộc nhiều vào khả năng tạo đôi chứ không chỉ ở số shanten.

- Trường hợp đủ block: 

So với trường hợp đủ block có đôi, số bộ bằng nhau thì số shanten sẽ nhiều hơn 1, vì ta cần phải tạo thêm đôi.

+ 1 shanten khi trong 5 block có 3 bộ. Khi 5 block có 3 bộ + 1 đôi là tenpai, thì khi chưa có đôi là 1 shanten, lúc này bài gồm 3 bộ và 2 nhóm 2 quân không phải đôi.

+ 2 shanten khi trong 5 hoặc block có 2 bộ.

+ 3 shanten khi trong 5 hoặc 6 block có 1 bộ.

+ 4 shanten khi trong 5 hoặc 6 block chưa có bộ, số shanten không thể cao hơn nữa.

- Trường hợp thiếu block:

So với trường hợp thiếu block có đôi, số block và số bộ bằng nhau thì số shanten sẽ bằng nhau. Khi thiếu block có đôi, ví dụ bạn hãy tưởng tượng lại 1 shanten dính, tạo được block mới là giảm shanten. Nhưng với trường hợp thiếu block không đôi, nếu tạo được đôi từ các quân lẻ thì cũng giảm shanten, vì đôi đó sẽ là block mới, tuy nhiên bạn bắt buộc phải tạo được đôi. Bởi vậy số shanten bằng nhau, nhưng một trường hợp cứ tạo được block là giảm shanten, một trường hợp phải tạo được đôi mới giảm shanten, nên bạn cần thấy rằng trường hợp thiếu block không đôi tệ hơn hẳn, nhất là khi các quân lẻ đơn độc và không có khả năng tạo đôi tốt (các quân lẻ tạo đôi tốt đã được thảo luận, kiểu như aryanmen, 3334, 3335).

+ 1 shanten khi trong 4 block có 3 bộ.

+ 2 shanten khi trong 4 block có 2 bộ hoặc có 3 block là 3 bộ.

+ 3 shanten khi trong 4 block có 1 bộ hoặc trong 3 block có 2 bộ.

+ Thiếu block không bộ không đôi thì nói chung là bài còn xa tenpai, ta chưa cần xác định chính xác số shanten.

Tóm tắt:

Tất cả các phần được in đậm trong bài này.

Mục lục

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Cân bằng công thủ cơ bản (4): Kĩ thuật phòng thủ cơ bản

Khi xây bài ta đánh quân này trước quân kia, thì khi phòng thủ cũng cần có thứ tự đánh phù hợp để tỉ lệ phòng thủ thành công cao nhất. Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu ta luôn luôn có đủ quân an toàn tuyệt đối để phòng thủ, nhưng thực tế việc ta phải lựa chọn đánh thế nào cho an toàn nhất khi không có quân an toàn tuyệt đối xảy ra thường xuyên.

1. Xác định độ an toàn của các quân và đánh từ quân an toàn nhất

Đánh quân an toàn nhất thì xác suất bị Ron thấp nhất, đó là điều hết sức hiển nhiên. Đây là quy tắc nền tảng nhất trong kĩ thuật phòng thủ, dù sẽ có những lúc quy tắc này bị vi phạm một chút để ưu tiên quy tắc số 2 sẽ được thảo luận phía sau. 

- Ví dụ 1:

Đông 1, dora Nan

Đối thủ cửa Nam:

Bài mình cửa Tây:

Ví dụ này đã được thảo luận trong bài trước. Tuy nhiên xử lí không chính xác trong tình huống này là một trong những lí do thường gặp nhất ngăn cản bạn tiến được đến trình độ cao hơn, nên tôi nghĩ là vẫn nên nhắc lại một lần.

Với bài 2 shanten ở tầm lượt khá muộn thế này rồi, lựa chọn hợp lí của ta chỉ có thể là phòng thủ. Dù có cố gắng tấn công thì 2 shanten sẽ không thể đuổi kịp người đã riichi, điều này đã được phân tích ở bài trước.

Vậy độ an toàn của các quân trong bài mình như thế nào? Các quân an toàn tuyệt đối trong bài mình là 9s (2 quân) và 2m. Ta hãy đánh các quân này ngay bây giờ. 

Hoàn toàn không nên đánh Haku ở đây. Khi đánh Haku bị ron, bạn không thể phẩy tay và nói: "mình đánh quân an toàn rồi mà vẫn bị ron". Một khi bài đã cần phòng thủ, chúng ta phải đánh từ quân an toàn nhất để giảm thiểu tối đa tỉ lệ bị ron, bài mình thế nào không còn quan trọng nữa. Đánh Haku ở đây chỉ làm tăng nguy cơ ta bị Ron mà không đem lại lợi ích gì.

Có rất nhiều lí do có thể khiến bạn đánh Haku ở đây:

- Không biết bài 2 shanten cần thủ và cứ thế đánh Haku là quân lẻ nhất

- Biết bài 2 shanten cần thủ nhưng cố gắng chày cối đánh Haku, "chắc không sao đâu"

- Biết bài 2 shanten cần thủ nhưng nghĩ là đánh Haku đủ an toàn rồi

- Biết bài 2 shanten cần thủ, nhưng bỏ sót các quân an toàn trong bài mình và đánh Haku

- Biết bài 2 shanten cần thủ, biết bài mình có các quân an toàn hơn, biết là đánh Haku có thể bị Ron, nhưng vì lí do nào đấy vẫn đánh - do trước đó đang thua quá nhiều hay thắng liên tục chẳng hạn.

Ở trình độ khác nhau thì kiểu sai lầm ta có thể gặp phải sẽ khác nhau. Bản thân tôi đã lần lượt gặp qua tất cả các kiểu sai lầm này, và tôi cũng sẽ chẳng bao giờ dám chắc chắn sẽ không bao giờ gặp phải kiểu 4 và kiểu 5 nữa.

Như vậy đã là tệ rồi, tuy nhiên nếu bạn còn sai lầm theo các kiểu 1 2 3 thì là chuyện khác. Bởi vì nếu suy nghĩ như vậy thì tức là lúc nào gặp tình huống như thế này bạn cũng sẽ đánh Haku.

- Ví dụ 2:

Đông 1, dora 9s

Đối thủ cửa Nam:

Bài mình cửa Tây:

Với bài thế này không còn lựa chọn nào khác ngoài phòng thủ ở đây. Ta không có quân an toàn tuyệt đối, vậy thì giờ phải tìm quân an toàn nhất bài để giảm tỉ lệ bị Ron xuống mức tối thiểu.

Đối thủ đã đánh 5s, 6m nên 2s và 3m là suji, các quân còn lại trong bài thì đều còn có thể bị Ron kiểu ryanmen. Nhưng không phải suji nào cũng như nhau. 2s suji có thể bị ron kiểu kanchan, shanpon, tanki còn 3m suji có thể bị ron kiểu kanchan, penchan, shanpon, tanki (từ giờ trở đi, trừ phi cần thiết còn lại tôi sẽ không viết tanki vào nữa vì cái này hiếm khi xuất hiện). Như vậy rõ ràng 2s an toàn hơn so với 3m. Khi đã phòng thủ, ở đây ta cần phải đánh 2s chứ không thể đánh 3m.

Không nên tự động suy nghĩ "suji = quân an toàn". Suji chỉ có ý nghĩa duy nhất là loại trừ khả năng bị ron kiểu ryanmen mà thôi. Kiểu chờ này hay gặp nhất nên suji nói chung là an toàn hơn các quân còn có thể bị ron kiểu ryanmen, nhưng cuối cùng thì nhiệm vụ của ta là tìm ra quân an toàn nhất, chứ không phải là tìm quân an toàn tuyệt đối => tìm suji => chấm hết. Và sẽ còn tệ hơn nữa nếu như bài bạn có quân an toàn tuyệt đối nhưng bạn lại phản xạ "suji!" và đánh suji trước.

- Ví dụ 3:

Đông 1, dora 9p

Đối thủ cửa Nam: 

Bài mình cửa Tây:

Với bài này ta cũng chỉ phòng thủ, tuy nhiên ta nên đánh gì? Nếu theo ví dụ trên, ta có 2 quân suji là 1m và 8s, có vẻ 1m an toàn hơn, vì 1m còn shanpon còn 8s còn shanpon, kanchan. Tuy nhiên hãy nhìn các quân đối thủ đã đánh. Họ đã đánh 7s từ lượt 3, vậy nếu chờ shanpon tức là đánh 7s từ 788s từ sớm, vô lí. Nếu chờ kanchan thì tức là đánh 7s rồi 5s từ 5779s trước khi riichi (giả sử 5s không phải bốc lên đánh luôn, nếu bốc lên đánh luôn thì tức là đánh 7s từ 779s, rồi bốc 5s lên 579s vẫn đánh 5s). Khả năng xảy ra thì không quá vô lí như đánh 7s từ 788s nhưng rõ ràng là bình thường thì cũng không ai đánh thế. So với 1m suji, nếu đang chờ shanpon thì chỉ đơn giản là họ đang có đôi 1m thôi, không có gì bất hợp lí. 

Ví dụ này nâng cao hơn so với 2 ví dụ trước. Nhưng cuối cùng thì ý quan trọng nhất vẫn là xác định độ an toàn của các quân và đánh từ quân an toàn nhất. Nếu ở ví dụ 3 này mà đối thủ của bạn toàn người mới chơi thì hãy cứ đánh 1m thôi.

2. Nếu độ an toàn không chênh lệch nhau nhiều, đánh quân mình có nhiều trước dù tỉ lệ bị ron của quân đó có cao hơn một chút vì sẽ làm giảm tổng tỉ lệ bị ron

Ví dụ:

Đông 1, dora 8s

Đối thủ cửa Nam:

Bài mình cửa Tây:

Quân nào trong bài này có tỉ lệ bị Ron thấp nhất? Rõ ràng là Haku. Nhưng giả sử lượt này bạn đánh Haku, lượt sau bốc lên một quân không an toàn như 3m chẳng hạn, lúc này bạn sẽ làm gì? Ta sẽ phải tìm ra quân an toàn nhất bài, đó là 1m, có thể bị ron kiểu ryanmen nhưng tốt hơn tất cả các quân còn lại trong bài.

Điều đó có ý nghĩa gì? Khi đánh Haku, khả năng rất cao là bạn vẫn sẽ phải đánh 1m. Tức là kiểu gì bạn cũng sẽ phải chịu tỉ lệ bị Ron của cả Haku lẫn 1m. Vậy nếu ta đánh 1m ngay bây giờ luôn thì sao? Lúc này, ta sẽ có thể tiếp tục đánh 1m ở 2 lượt tiếp theo. Sau 3 lượt thì ta hoàn toàn có thể hi vọng có thêm quân an toàn, hoặc là đối thủ đã thắng trong khoảng thời gian này, tóm lại là rất có thể ta không cần phải chịu tỉ lệ bị ron của Haku nữa.

Tỉ lệ bị Ron của Haku so với 1m ở đây có thể nói là không chênh lệch nhau nhiều, thay vì chịu tỉ lệ bị Ron của Haku ở lượt này thì ta có thể chịu 1m trước để hi vọng không phải chịu Haku nữa. Nhưng định nghĩa cụ thể thế nào là không chênh lệch nhau nhiều thì tôi chịu. Giả sử ở đây bộ 111m là 333m chẳng hạn thì không thể có chuyện đánh 3m ở đây mà phải đánh Haku; dù là lượt sau nếu không bốc được quân an toàn thì chắc vẫn phải đánh 3m mà thôi nhưng ta không thể chấp nhận tỉ lệ bị ron của 3m ngay ở đây được, vẫn cần hi vọng bốc quân an toàn hơn ở lượt sau.

Nếu ở đây không phải là bộ 111m mà ta chỉ có đôi 11m thôi thì nói chung vẫn nên đánh 1m trước Haku.

Còn nữa, nếu ở đây thay Haku bằng các quân an toàn hơn thì sao? Quân càng an toàn thì chênh lệch độ nguy hiểm với 1m càng lớn, lúc này ta có đánh 1m nữa không hay đánh quân an toàn hơn? Chẳng hạn, nếu ở đây Haku đã ra bàn 1 thì sao? Nếu thay Haku bằng suji 1-9 thì sao? Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần biết khái niệm suji, kabe là đã biết hết về phòng thủ rồi thì thật sự là nhầm to. Nếu chỉ so sánh độ an toàn của các quân tương đương nhau với số lượng tương đương trong bài mình, kiểu như so sánh các quân 1-9 với nhau, so sánh các suji với nhau thì có lẽ không quá khó, nhưng so sánh quân có ít nhưng an toàn hơn với quân có nhiều nhưng kém an toàn hơn thì phải so thế nào? Chẳng ai có thể trả lời cụ thể hết được.

3. Cùng là quân an toàn, nhưng hãy giữ lại quân an toàn với 2 người còn lại đề phòng họ tiếp tục Riichi

Ví dụ:

Đông 1, dora 1m

Đối thủ cửa Nam:

Bài mình cửa Tây:

Ta cần thủ ở đây, may là có nhiều quân an toàn. Nhưng không phải cứ thấy quân an toàn là đánh. Nếu ta cứ đánh Sha rồi Hatsu, lỡ sau đó nhà cái Riichi tiếp chẳng hạn thì ta còn gì? Ta sẽ không thể nào vui vẻ với chuyện đánh các quân chỉ an toàn với 1 Riichi. Bài đằng nào cũng không có cơ hội, thế thì ta hãy đánh các thứ như 1m, 6m trước, lỡ về sau có thêm người Riichi thì lúc đấy có thể sử dụng Sha, Hatsu để thủ cả 2 Riichi. Nói thì dễ nhưng làm thì không hẳn vậy vì:

- Thường mấy quân rồng gió an toàn với nhiều người lại hay nằm lẻ lẻ dễ nhìn, mấy quân số được xếp gần với các quân số khác lại dễ bị bỏ sót.

- Thường thì rồng gió dễ thủ với nhiều người nên phản xạ đánh quân số an toàn trước, nhưng có những lúc thực ra những quân số đó lại an toàn với 2 người còn lại hơn vì họ đã đánh ra rồi hay quân số đó là suji với họ mà ta không nhìn chẳng hạn.

- Vẫn còn muốn giữ cơ hội thắng.

Nếu như khi xây bài tấn công gần như chỉ cần nhìn bài mình, thì khi phòng thủ cần nhìn cả bài mình lẫn bài đối thủ, và cả bài các đối thủ còn lại mà ta chưa trực tiếp thủ với họ bây giờ nữa.

Tóm lại:

Các quy tắc phòng thủ cơ bản:

- Xác định độ an toàn của các quân và đánh từ quân an toàn nhất

- Nếu độ an toàn không chênh lệch nhau nhiều, đánh quân mình có nhiều trước

- Giữ lại quân an toàn với nhiều người

Mục lục