Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Xây bài cơ bản (8): Lí thuyết 5 block (2). Đếm số shanten

(Cập nhật: 27/08/2023)

1. Cách đếm block và ảnh hưởng của số block đến tính chất của các nhóm quân

Đến đây tôi sẽ dành thời gian ra để thảo luận, hay nói chính xác hơn là tổng kết lại, về điểm mà tôi cho là cốt lõi nhất của lí thuyết 5 block: Cách đếm block và ảnh hưởng của số block đến tính chất của các nhóm quân.

Trong các bài về 1 shanten chúng ta đã thảo luận về các loại 1 shanten với số block khác nhau. Số block khác nhau dẫn đến tính chất của các nhóm quân khác nhau. Trên thực tế tôi thấy điểm dễ gây hoang mang nhất trong lí thuyết 5 block là cách đếm block, chính tôi cũng từng không hình dung được lí thuyết này cho đến khi được chỉ đúng về cách đếm block. Sau phần 1 shanten, ta có thể tổng hợp lại cách đếm block như sau:

- Quân lẻ bình thường là 0 block

- Nhóm 2 quân, nhóm 3 quân, bộ 3 quân là 1 block

- Nhóm 4 quân dạng bộ + 1 quân là 1 block (bộ là 1, quân là 0). Bạn có thể xem lại phần 1 shanten dính để thấy tính chất quân lẻ của dạng nhóm 4 quân này. Nhiều sai lầm sẽ xảy ra khi ta cứ coi nhóm 4 quân dạng này là 2 block, theo kiểu 3445 = 34 + 45.

- Nhóm 4 quân dạng 2 nhóm 2 quân, kiểu như 1133, 2233 vẫn là 2 block.

- Các quy tắc trên áp dụng cho bài đã có đôi.

Và qua phần 1 shanten, ta đã biết được các tính chất của bài theo số block:

- Bài 6 block: phá block không làm thay đổi số shanten

- Bài 4 block: quân lẻ quan trọng vì có khả năng giảm shanten

- Bài 5 block: số block vừa đủ, nên khi phá block thì số shanten tăng lên 1, và quân lẻ không có khả năng giảm shanten, chỉ có chức năng cải thiện và phòng thủ.

Khi đếm block theo quy tắc ở trên thì các tính chất trên mới được thể hiện đúng, nếu đếm sai thì sẽ dẫn đến nhận định không chính xác về tính chất của các quân và nhóm quân.

Ví dụ:

Theo quy tắc đếm block, 3445m là 1 block, nên bài trên có 5 block và bài dưới có 4 block. Cùng là 4s và Pei nhưng vì số block thay đổi nên tính chất của các quân này thay đổi hoàn toàn. Bài trên có 5 block nên 4s chỉ còn chức năng cải thiện khi bốc 5s, và ta phải so sánh chức năng này với chức năng phòng thủ của Pei (thông thường bài chắc chắn chờ đẹp thế này rồi thì sẽ ưu tiên chức năng phòng thủ của Pei và ta sẽ đánh 4s, bỏ qua 1 loại quân cải thiện lên chờ 3 mặt duy nhất). Bài dưới có 4 block nên 4s sẽ có chức năng giảm shanten (bốc 5s 3s chờ đẹp, 2s 4s 6s chờ xấu), và 4m (chính xác hơn là 3445m) cũng có chức năng giảm shanten. Đây chính là dạng 1 shanten dính. Chức năng phòng thủ của Pei không thể so sánh với chức năng giảm shanten của 4s. Dù 4s ở đây chỉ là 2s thôi thì cũng không nên đánh 2s mà phải đánh Pei.

Các tài liệu cũ thường nói đơn giản 3445 là nhóm đẹp vì có thể tách ra thành 34+45. Nhưng nếu chỉ nghĩ như vậy thì trong hình trên, bài dưới sẽ có 5 block, mà 5 block thì quân lẻ 4s không còn chức năng giảm shanten. Cần đếm 3445m là 1 block thì mới thấy được chức năng giảm shanten của 4s.

Hoặc là nếu bài trên mà không đếm block cẩn thận thì sẽ nhận định sai về sức mạnh của 4s, cứ thế đánh Pei. Đủ block rồi nên 4s chỉ còn khả năng cải thiện mà thôi.

Một tình huống xuất hiện khi tôi dạy chơi mạt chược khoảng vài tháng trước, dù đáp án đúng thì tôi biết lâu rồi nhưng cách giải thích sao cho hợp lí thì tôi cũng chỉ mới nhận ra gần đây thôi. Bài trên là bài 5 block, 6p chỉ có khả năng cải thiện và phương án hợp lí nhất là đánh 6p, giữ lại penchan đôi 122m để tăng tối đa số quân lên tenpai. Bài dưới thì sao? Đây quả thật không phải tình huống dễ đối với người mới chơi và chính người được tôi dạy đã mắc sai lầm trong tình huống này. 

Theo quy tắc đếm block ở trên, ta sẽ có 122m là 1 block, 6678m là 1 block vì nhóm dạng bộ 3 + quân lẻ là 1 block, 234p là 1 block, cộng với Hatsu đã pon là 4 block. Khi bài có 4 block thì các quân lẻ có vai trò giảm shanten. Các quân lẻ trong bài này là gì? Đó là 6678m (aryanmen), 6p và 1m (trong 122m, coi 2m là đôi). Đây cũng vẫn là 1shanten dính đấy. Khi so sánh các quân lẻ trên thì bạn có thể thấy 1m là quân lẻ yếu nhất và cần phải đánh ở đây. Nếu không đếm block chính xác thì bạn sẽ coi 6678m là 66+78, bài có 5 block và đánh 6p. 

Bạn không nên nghĩ rằng chẳng qua cách nhận định khác nhau nên kết quả khác nhau thôi, chứ cách nào cũng đúng. Với bài trên có 5 block, thật ra không phải ta cứ thấy 5 block là đánh 6p, mà là ở đây với bài 5 block dạng 3 + 2 + 1 này, ta thấy 6p chỉ có khả năng cải thiện sẽ yếu hơn so với 1m có khả năng giảm shanten (và ngoài ra khả năng phòng thủ tốt hơn 6p). Nếu bài dưới ta cũng đếm thành 5 block thì tính chất của 6p vẫn như vậy. Việc ta theo quy tắc đếm ra 4 block cũng không phải là cứ đếm như vậy là đánh 1m, mà là khi đếm như vậy thì ta dẫn đến kết quả là cần phải so sánh khả năng giảm shanten của 1m, 6p và 6678m. Ta cần đếm block đúng thì mới nhận ra được 6p có khả năng giảm shanten chứ không phải chỉ có khả năng cải thiện.

Với các bài thế này nhiều tài liệu giải thích theo kiểu coi 4renkei là 2 block (34+56) với bài trên, sẽ có tổng 6 block và đánh đi block yếu nhất là 12p, hay coi 5m 2 dora là 1 block với bài dưới, cũng thành tổng 6 block và đánh đi block 12m. Cách giải thích như vậy vốn cũng không có gì sai, tuy nhiên nếu đếm block theo quy tắc được nêu trong bài này thì thế nào? Lúc này cả 2 bài này sẽ đều có 5 block, quân lẻ 4renkei ở bài trên và dora ở bài dưới đều chỉ có chức năng cải thiện. Muốn chắc chắn sử dụng được các quân lẻ mạnh này thì cần phải phá đi 1 block, khi đó bài chỉ còn 4 block, giảm số block như vậy thì số shanten tăng lên 1.

Nếu cứ đương nhiên coi các quân lẻ là 1 block (nhóm 4 quân có tính chất quân lẻ là 2 block) thì sẽ không nhận thấy được cái giá phải trả trong các tình huống này, đó là tăng số shanten. Dù ở đây dĩ nhiên là đáng, nhưng sẽ có những tình huống tương tự sẽ không đáng.

Hãy một lần nữa nhìn lại các tính chất:

- Bài 6 block: phá block không làm thay đổi số shanten

- Bài 4 block: quân lẻ quan trọng vì có khả năng giảm shanten

- Bài 5 block: số block vừa đủ, nên khi phá block thì số shanten tăng lên 1, và quân lẻ không có khả năng giảm shanten, chỉ có chức năng cải thiên và phòng thủ.

Các bài viết trước chỉ nói về 1 shanten, nhưng hãy chú ý rằng các tính chất này không hề thay đổi khi số shanten lớn hơn (và khi số shanten lớn hơn thì các tính chất khác cũng sẽ xuất hiện). Khi nói về 1 shanten, ngoài việc xử lí từng loại 1 shanten thì mục đích khác nữa là giúp các bạn hình dung về block và tính chất của các quân bài sẽ thay đổi theo số block như thế nào. Các bài sau sẽ giải thích các trường hợp thiếu block, đủ block, thừa block với số shanten >1.

Nếu qua các bài của phần 1 shanten đến bài này bạn còn đang thấy hoang mang không hiểu gì thì nên đọc lại một lượt, vì bài này giúp đỡ cho bài kia, và các bài sau sẽ dựa nhiều vào việc bạn hiểu được bài này. Nếu thật sự thấy không thể hiểu được thì đến giờ này tôi cũng chưa có phương án giải thích hay hơn, bạn đành chịu khó tìm tài liệu khác viết hay hơn (nói cho cùng cách tôi diễn đạt là cách hiểu của tôi thôi, có thể bạn sẽ hơp với cách giải thích khác), hoặc hỏi tôi hay ai đó trực tiếp vậy (hoặc là bỏ cuộc tạm thời chờ lúc khác có khi lại hiểu).

2. Cách đếm số shanten

Khi mới chơi bạn có thể thấy những người chơi kinh nghiệm nhanh chóng xác định số shanten của bài, và bạn thấy điều đó rất ấn tượng. Sau đó khi bạn đến được giai đoạn trung bình khá, bạn lại thấy rằng: Ồ, điều đó đâu có quan trọng. Cũng không phải là sai vì thật sự thì chuyện đếm số shanten đâu có ảnh hưởng gì nhiều đến việc bạn chọn được quân đánh hợp lí nhất trong bài mình đâu.

Tôi cũng nghĩ như vậy cho đến thời gian gần đây. Dĩ nhiên là khi quá xa tenpai thì đếm được chính xác bài mình 4 hay 5 shanten cũng không có ý nghĩa gì lớn. Nhưng xác định số shanten là 1, 2 hay 3 thì sẽ có ý nghĩa trong việc so sánh bài mình với bài đối thủ. Khi đối thủ Riichi, số shanten của ta là 1 hay 2 rất khác nhau đúng không nào? Rồi khi bài đối thủ mở, chuyện ta xử lí lại bài mở của đối thủ khi số shanten là 1, 2 hay 3 cũng khác hẳn nhau (mặc dù về khoản này thì tôi chẳng dám nói mình khá hơn ai).

Ở đây tôi sẽ đề ra cách đếm số shanten dựa theo số block trong bài mình:

a) Bài đã có đôi

- Bài đủ block (5 hoặc 6 block):

+ 1 shanten nếu có 2 bộ + 1 đôi. Chắc chắn là như vậy vì tenpai nếu có đôi sẵn thì sẽ phải có 3 bộ + 1 đôi.

+ 2 shanten nếu có 1 bộ + 1 đôi. Từ 1 shanten thì suy ngược được về 2 shanten. Hoặc là nghĩ rằng với bài 5 block đã có đôi, đã có sẵn 1 bộ 1 đôi thì còn lại 3 nhóm 2 hoặc 3 quân, nếu chuyển 2 trong số 3 nhóm đó thành bộ tức là được tenpai, vậy là bài mình 2 shanten.

+ 3 shanten nếu trong 5 hoặc 6 block có 1 đôi, còn lại chưa có bộ nào. Bài đủ block có đôi thì số shanten không thể hơn 3. Bạn có thể 1 lần nữa nhận thấy rằng block thứ 6 không có ảnh hưởng đến số shanten.

- Bài thiếu block:

+ 1 shanten khi có 4 block, với 4 block đó là 3 bộ + 1 đôi. Chính là dạng 1 shanten dính.

+ 2 shanten khi có 4 block, trong 4 block đó có 2 bộ + 1 đôi. Từ 1 shanten suy ngược ra.

+ 3 shanten khi có 4 block, trong 4 block đó có 1 bộ + 1 đôi, hoặc khi có 3 block với 3 block đó là 2 bộ + 1 đôi. Tiếp tục suy ngược từ 2 shanten.

+ 4 block chưa có bộ, 3 block mới có 1 bộ thì 4 shanten, nói chung nhìn bài thế này hoặc tệ hơn thì còn xa tenpai và không nhất thiết phải xác định chính xác số shanten.

b) Bài chưa có đôi

Bài không đôi thì hơi lằng nhằng và sức mạnh thực sự phụ thuộc nhiều vào khả năng tạo đôi chứ không chỉ ở số shanten.

- Trường hợp đủ block: 

So với trường hợp đủ block có đôi, số bộ bằng nhau thì số shanten sẽ nhiều hơn 1, vì ta cần phải tạo thêm đôi.

+ 1 shanten khi trong 5 block có 3 bộ. Khi 5 block có 3 bộ + 1 đôi là tenpai, thì khi chưa có đôi là 1 shanten, lúc này bài gồm 3 bộ và 2 nhóm 2 quân không phải đôi.

+ 2 shanten khi trong 5 hoặc block có 2 bộ.

+ 3 shanten khi trong 5 hoặc 6 block có 1 bộ.

+ 4 shanten khi trong 5 hoặc 6 block chưa có bộ, số shanten không thể cao hơn nữa.

- Trường hợp thiếu block:

So với trường hợp thiếu block có đôi, số block và số bộ bằng nhau thì số shanten sẽ bằng nhau. Khi thiếu block có đôi, ví dụ bạn hãy tưởng tượng lại 1 shanten dính, tạo được block mới là giảm shanten. Nhưng với trường hợp thiếu block không đôi, nếu tạo được đôi từ các quân lẻ thì cũng giảm shanten, vì đôi đó sẽ là block mới, tuy nhiên bạn bắt buộc phải tạo được đôi. Bởi vậy số shanten bằng nhau, nhưng một trường hợp cứ tạo được block là giảm shanten, một trường hợp phải tạo được đôi mới giảm shanten, nên bạn cần thấy rằng trường hợp thiếu block không đôi tệ hơn hẳn, nhất là khi các quân lẻ đơn độc và không có khả năng tạo đôi tốt (các quân lẻ tạo đôi tốt đã được thảo luận, kiểu như aryanmen, 3334, 3335).

+ 1 shanten khi trong 4 block có 3 bộ.

+ 2 shanten khi trong 4 block có 2 bộ hoặc có 3 block là 3 bộ.

+ 3 shanten khi trong 4 block có 1 bộ hoặc trong 3 block có 2 bộ.

+ Thiếu block không bộ không đôi thì nói chung là bài còn xa tenpai, ta chưa cần xác định chính xác số shanten.

Tóm tắt:

Tất cả các phần được in đậm trong bài này.

Mục lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét