Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Tóm tắt về gọi quân: Pon, Chi và Kan!

Đây có lẽ sẽ là phần cuối cùng của series Hướng dẫn mạt chược cơ bản.
Mình tạm chia các hành động gọi quân làm 2 nhóm:
- Pon và Chi: lấy quân của người khác để tạo bộ cho mình, với mục đích là tăng tốc độ hoàn thành bài.
- Kan: không có mục đích tăng tốc độ mà tăng giá trị của bài.

1. Pon và Chi
+) Pon là việc lấy quân của bất cứ người chơi nào khác để tạo một Koutsu (bộ ba quân giống nhau) cho mình.
Khi có người đánh một quân mà bạn muốn lấy quân đó để tạo bộ ba quân giống nhau thì nói Pon, lấy quân đó cùng với 2 quân có sẵn trong bài mình đặt ngửa lên ở phía bên phải, và đặt ngang một quân trong đó nhằm mục đích đánh dấu quân bạn vừa gọi là do ai đánh.

Ví dụ, người chơi vừa gọi Pon với quân 4 pin của người bên trái. Bộ được đặt ở phía bên phải, quân 4-pin bên trái đặt nằm ngang để đánh dấu nó là quân của người bên trái đánh đi.

+) Chi là việc lấy quân của người bên trái mình để tạo một Shuntsu (bộ ba quân đồng chất liên tiếp)
Khi người bên trái đánh ra một quân mà bạn muốn lấy nó để tạo một bộ ba quân đồng chất liên tiếp thì hãy nói Chi, lấy quân đó và 2 quân có sẵn đặt ngửa phía tay phải, quân bạn vừa lấy đi luôn được đặt ngang phía bên trái cũng nhằm đánh dấu quân đó thuộc về người chơi tay trái bạn.


Trên hình, người chơi vừa gọi Chi với quân 7 man do người chơi bên trái đánh ra.

Gọi Pon và Chi giúp bạn tạo thêm một bộ, và vì vậy sẽ tăng tốc độ hoàn thành bài của bạn. Tuy nhiên vì những bộ gọi được sẽ bị khoá, làm cho bạn còn ít bài trên tay hơn, nên nếu gọi nhiều quá mà có người táy máy Riichi thì quả là tiến thoái lưỡng nan phải không nào.
Vì thế hãy suy xét một chút trước khi quyết định tăng tốc độ bằng cách gọi quân. (vấn đề này thực ra hơi khó với người mới chơi, thậm chí với cả những người chơi trung bình)
Đặc biệt những người mới chơi rất hay cố gắng gọi quân bừa bãi, dẫn đến kết cục không có Yaku. Hãy bỏ thói quen này nhé!

2. Kan

Kan là việc tạo ra một bộ bốn quân giống nhau. Có ba loại Kan là Kan kín (ankan), Kan mở (daiminkan - nói chính xác hơn là Kan có được nhờ trực tiếp gọi quân của người khác) và Kan muộn (chakan - Kan được tạo nên từ Pon đã có sẵn)

Bạn gọi Kan kín bằng cách lật ra bốn quân giống nhau từ bài của mình.


(Lật úp hai quân như trên để đánh dấu Kan kín)

Kan mở được tạo nên từ ba quân có sẵn trong bài và một quân do người chơi khác đánh ra.

 
(Đặt ngang một quân để đánh dấu giống như gọi Pon)

Còn Kan muộn được tạo nên từ Pon đã được gọi từ trước và quân thứ tư do bạn bốc lên.


(Đặt quân thứ tư lên trên quân được đặt ngang của Pon lúc đầu)

- Sau khi gọi Kan bạn phải bốc thêm một quân mới để đảm bảo hoàn thành 4 bộ 1 đôi, vì bộ thường được tạo bởi 3 quân nhưng Kan được tạo ra từ 4 quân.
- Việc gọi Kan luôn đi kèm với việc lật thêm một chỉ điểm dora. Chỉ điểm dora này được lật lên ngay sau khi bạn bốc quân từ tử thành nếu gọi Kan kín, và sau khi đánh quân (hoặc gọi thêm Kan khác) với Kan mở và Kan muộn.
- Bạn có thể gọi các Kan liên tiếp. (sau khi gọi Kan này thì có thể gọi tiếp Kan khác, tuy nhiên sau gọi Pon/Chi thì không được gọi Kan đâu nhé)

Khác với Pon và Chi cho bạn thêm một bộ, việc gọi Kan không làm tăng thêm số bộ của bạn, vì bạn vẫn có thể sử dụng bộ ba mà không cần gọi Kan. Vì thế nói chung gọi Kan không làm tăng tốc độ bài bạn.
Tuy nhiên, Kan có giá trị cao hơn Koutsu, hơn nữa việc gọi Kan có thể đem lại thêm dora cũng như Rinshan kaihou, nên nó tăng giá trị của bài bạn lên.

Nhưng Kan lại là một con dao hai lưỡi - dora mới đó rất có thể lại có ích cho những người chơi khác (chưa kể đến việc nếu có người Riichi thì lại thêm một ura-dora mới), và đã là gọi quân thì bộ bạn đã gọi sẽ bị khoá và bạn còn lại ít bài trên tay hơn, làm cho việc phòng thủ khi cần trở nên khó khăn hơn. Vậy nên những người chơi giỏi đều suy nghĩ cẩn thận trước khi gọi Kan.

- Kan kín là loại Kan tốt nhất, nó có giá trị Fu cao nhất, và bạn cũng được xem dora mới trước khi đánh quân. Tuy vậy gọi Kan khi bài quá xa tenpai không bao giờ là một ý tưởng hay, tốt nhất khi đang Tenpai hay cách Tenpai 1-2 quân là cùng. Và cũng không nên tạo thêm rắc rối bằng cách gọi Kan, tạo cho đối thủ có cơ hội thêm dora khi mình đang dẫn trước.
- Kan muộn nói chung không có hại lắm, nhất là Kan 1/9/rồng/gió có giá trị đến 16 fu, có thể tăng giá trị bài vài trăm đến vài nghìn điểm, và dora mới lúc nào cũng hấp dẫn đặc biệt là khi đang thua. Tuy vậy trong nhiều trường hợp quân thứ 4 đó là quân an toàn và có thể đem ra phòng thủ, dora mới luôn là con dao hai lưỡi, và mối đe doạ Chankan luôn rình rập. Vì thế nói chung chỉ nên gọi Kan muộn khi đang thua mà thôi.
- Khác với Kan kín và Kan muộn thực sự cho bạn cơ hội bốc một quân mới (may ra thì quân đó có thể đưa bạn gần hơn với Tenpai), việc gọi Kan mở nhìn bề ngoài cũng cho bạn bốc một quân mới, nhưng thực tế bạn đã bỏ qua lượt bốc thực sự của mình. Tiếp nữa, việc giữ bài kín luôn có lợi thế hơn (cơ hội Riichi - cũng thêm 1 han và 1 ura-dora giống như rinshan (hên xui) và kan-dora(có thể có lợi cho người khác); và khả năng phòng thủ linh hoạt hơn- cứ giữ bộ kín mà không gọi Kan mở thì về sau hoàn toàn có thể đánh bộ đó đi để phòng thủ).
Vì vậy trong 99,9% trường hợp, ĐỪNG ham bắt chước Saki mà gọi Kan mở nhé. (0,1% còn lại là những trường hợp hết sức tuyệt vọng mà thôi, thường chỉ trong lượt cuối mà không còn cơ hội bốc bài nữa mà thôi)

Vậy là coi như xong hết những điều cơ bản mà một người mới chơi cần biết. Với những hướng dẫn này thì những người mới chơi đã có thể biết cách hoàn thành bài một cách đúng đắn.
Chương trình tiếp theo sẽ bắt đầu nói về kĩ chiến thuật - kính mong quý khán giả tiếp tục theo dõi!

3 nhận xét:

  1. Ko biết mình có nhìn lộn ko nhưng hôm nay mình vừa Kan mở thì bị Ron, thế là mình bị trừ điểm chứ ko phải thằng bị mình Kan, có trường hợp nào như vậy ko bạn ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi Kan muộn (chuyển Pon thành Kan) thì quân được thêm vào đó có thể bị Ron.

      Xóa
    2. ồ ra vậy, cảm ơn bạn

      Xóa